Phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

2022-03-05 10:19:03 - Việt Nam

Phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030

ĐBSCL sẽ được quy  hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: T.L

ĐBSCL sẽ được quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: T.L

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

 

 

Quy hoạch ĐBSCL theo hướng thay đổi cấu trúc nông nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỉ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp-xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%...

Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

ĐBSCL sẽ được quy hoạch phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỉ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường

Vùng ĐBSCL sẽ được quy hoạch theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối...

Đạt thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch sinh thái

Theo quy hoạch, ĐBSCL được quy hoạch phát triển đạt thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...

Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với TPHCM, TP.Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan-Campuchia- Rạch Giá-Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).

Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch…

 

VŨ LONG

Nguồn laodong.vn

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công