Kiên Giang phục hồi kinh tế thích ứng với lộ trình an toàn

Tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ một cách linh hoạt, thích ứng với lộ trình an toàn, bình thường mới

2021-10-25 11:14:10 - Việt Nam

Kiên Giang phục hồi kinh tế thích ứng với lộ trình an toàn

Tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ một cách linh hoạt, thích ứng với lộ trình an toàn, bình thường mới.
 
Kien Giang phuc hoi kinh te thich ung voi lo trinh an toan hinh anh 1
Công nhân sơ chế sản phẩm yến tinh tại cơ sở yến sào Du Long, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
 

Trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” tỉnh Kiên Giang tập trung các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế theo lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới.

Lộ trình thích ứng

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh trước việc thúc đẩy phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế trong bối cảnh đang kiểm soát được dịch bệnh và theo lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh đã duy trì và thực hiện “mục tiêu kép,” kết hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ một cách linh hoạt, thích ứng với lộ trình an toàn, bình thường mới.

Tỉnh đã giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh những tháng cuối năm 2021 và tạo đà cho năm 2022.

Theo ông Lâm Minh Thành, một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trở lại giai đoạn 1 trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng dịch, tăng dần tỷ lệ hoạt động và tiến tới khôi phục hoàn toàn sản xuất kinh doanh. Giai đoạn này thực hiện thí điểm đến 30/12/2021 hoặc cho đến khi có thông báo mới.

[Kiên Giang chốt phương án thí điểm đón khách quốc tế và nội địa]

Tiếp đến, giai đoạn 2 từ sau ngày 1/11/2021, tỉnh đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1 để bổ sung, điều chỉnh giải pháp tiếp theo, mở rộng phạm vi, quy mô ngành nghề, lĩnh vực nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, tiến tới thích ứng và hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho hay những ngành nghề, lĩnh vực hoạt động giai đoạn 1 gồm: nhà máy, xí nghiệp sản xuất chế biến; các hoạt động xây dựng; sản xuất nông nghiệp, thủy sản; vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách; các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Riêng tại thành phố Phú Quốc, một số cơ sở cung cấp dịch vụ và kinh doanh sản phẩm du lịch hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19, nhằm thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu-cụm công nghiệp, khu kinh tế theo phương án sản xuất “3 tại chỗ.”

Các doanh nghiệp khôi phục tối đa 50% công suất sản xuất, sử dụng 50% lao động làm việc, chủ động bố trí, luân chuyển công nhân và người lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động…

Mặt khác, đối với phương án “1 cung đường 2 điểm đến,” doanh nghiệp thực hiện đảm bảo tiêu chí “3 xanh” là nhà máy xanh, nơi ở xanh và công nhân xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động…

Cùng với đó, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế tỉnh trong trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, tỉnh khôi phục các hoạt động từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục lại các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan, lấy Phú Quốc là điểm đến an toàn thân thiện để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Mặt khác, tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “Hộ chiếu vaccine” theo chỉ đạo của Chính phủ; trong đó, giai đoạn 1 thí điểm đón từ 3.000-5.000 du khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn 2, sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô dự kiến đón từ 5.000-10.000 du khách/tháng đến đảo ngọc Phú Quốc.

Ngoài ra, Sở Du lịch triển khai kế hoạch phục hồi ngành du lịch Kiên Giang, tập trung thực hiện các chính sách kích cầu, từng bước phục hồi hoạt động du lịch nội địa những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, chào bán cho khách du lịch các chương trình gói sản phẩm “Du lịch an toàn.”

Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, từ ngày 1/11/2021, tỉnh chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa. Giai đoạn 1 trong tháng 11/2021, Kiên Giang đón khách nội tỉnh và khách đến từ các tỉnh có cấp độ dịch nguy cơ thấp (cấp 1) và nguy cơ trung bình (cấp 2). Tỉnh khuyến khích du khách đi du lịch theo chương trình tour trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành.

Điểm đón khách du lịch giai đoạn này là các khu, điểm du lịch tại 3 thành phố là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên và huyện đảo Kiên Hải. Giai đoạn 2 (tháng 12/2021 và năm 2022), Kiên Giang mở rộng đón du khách đến từ các thị trường truyền thống có đường bay trực tiếp đến Phú Quốc như Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ…

Điểm đón khách du lịch sẽ mở rộng tại các khu, điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn 3 thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc, các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng.

Khởi động sản xuất kinh doanh

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh trong trạng thái bình thường mới, tỉnh huy động tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể với từng ngành, địa phương, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh, xây dựng của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế tỉnh.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh tổ chức sản xuất hiệu quả vụ lúa Đông Xuân và vụ lúa Mùa năm 2021-2022 và khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch năm 2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang rà soát các chương trình, đề án, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; trong đó, chú trọng các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi bền vững, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nuôi biển theo hướng bền vững và dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả.

Tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần cùng với các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề khác phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh.

Đối với sản xuất công nghiệp, thương mại, theo Sở Công Thương Kiên Giang, lưu thông hàng hóa, thương mại dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp thuận lợi hơn trong điều kiện bình thường mới.

Nhiều chợ truyền thống, siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện lợi và các doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, sau thời gian tạm dừng mua bán để phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay đã và đang hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp sản xuất gạo luôn dự trữ từ 50.000-100.000 tấn gạo, hệ thống phân phối tăng mức dự trữ hàng hóa phục vụ người dân từ 15-30 ngày và trên 30 ngày, với giá cả hàng hóa ổn định, không biến động, không có hiện tượng thu gom hàng hóa, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Mặt khác, phục hồi sản xuất kinh doanh, tỉnh hiện có gần 100 doanh nghiệp, hơn 350 hộ kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề đăng ký hoạt động hoạt động trở lại, bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Trong đó, hơn 470 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 1.054 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến.”

Kien Giang phuc hoi kinh te thich ung voi lo trinh an toan hinh anh 2
Du khách dạo chơi tại Phú Quốc. (Ảnh: TTXVN)
 

Riêng đảo Phú Quốc có khoảng 20% doanh nghiệp, hộ kinh doanh tái hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, khôi phục hoạt động xây dựng cơ bản, tỉnh hiện có 84 nhà thầu thi công 134 dự án, công trình đăng ký hoạt động thi công trở lại; trong đó, 47 nhà thầu đã được phê duyệt và đang thi công 86 dự án, công trình.

Riêng địa bàn đảo Phú Quốc, hiện có khoảng 60% các dự án, công trình đang triển khai đầu tư xây dựng, hoạt động thi công xây dựng đạt khoảng 70% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, hướng tới mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với điều kiện bình thường mới nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, chủ lực là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và hoạt động xây dựng cơ bản; phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Đặc biệt, tỉnh thường xuyên đánh giá nguy cơ theo hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn để giảm quy mô thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Theo TTXVN/Vietnam+

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công