Bước tiến mới trong quan hệ thương mại hai nước Việt Nam-Ấn Độ

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là bước tiến quan trọng cho quan hệ thương mại hai nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch.

2021-12-16 09:44:12 - Việt Nam

Bước tiến mới trong quan hệ thương mại hai nước Việt Nam-Ấn Độ

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là bước tiến quan trọng cho quan hệ thương mại hai nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Buoc tien moi trong quan he thuong mai hai nuoc Viet Nam-An Do hinh anh 1
Dây chuyền may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Ấn Độ luôn phát triển theo hướng tích cực, với mức tăng bình quân trên 20%/năm, cao hơn mức tăng chung của Việt Nam với toàn thế giới.

Thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương giữa hai nước.

Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á. Dù bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch song phương giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh và có thể sớm đạt hoặc vượt mốc 15 tỷ USD trong năm 2022.

Đặc biệt, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này là bước tiến quan trọng cho quan hệ hai nước trong bối cảnh bình thường mới.

Thị trường quan trọng

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Ấn Độ là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác.

Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 5,5 tỷ USD năm 2016 lên 11,2 tỷ USD trong năm 2020 và kỳ vọng sẽ đạt hơn 13 tỷ USD trong năm 2021, mức cao nhất từ trước tới nay.

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Ấn Độ đạt xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 5,8 tỷ USD, tăng 60% .

Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại di động, linh kiện điện tử, máy móc, công nghệ máy tính, cao su thiên nhiên, hóa chất và càphê. Mặt khác, các mặt hàng nhập khẩu chính của Ấn Độ bao gồm: thịt và các sản phẩm thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông và máy móc.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 69,14 nghìn tấn, trị giá 132 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 92,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 8% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ và tăng so với mức 7,7% của cùng kỳ năm 2020.

Riêng đối với cao su tự nhiên, trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 67,87 nghìn tấn, trị giá 129,24 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 89,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong 9 tháng năm 2021 chiếm 19%, tăng so với mức 17,3% của cùng kỳ năm 2020.

Tính đến tháng 10/2021, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 310 dự án với tổng vốn đăng ký 910,29 triệu USD. Với kết quả trên, Ấn Độ đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng nguyên container, vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Ấn Độ, từ giữa tháng 11/2021, Công ty CP Giao nhận vận tải Con ong (Bee Logistics) mở thêm dịch vụ gom hàng lẻ đi thẳng từ Hải Phòng đến cảng Nhava Sheva, Ấn Độ.

Chia sẻ lý do mở rộng cung cấp dịch vụ logistics giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông Vũ Hồ Ninh, Giám đốc chi nhánh Bee Logistics Hải Phòng cho hay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn tăng trưởng tích cực. Hiện 95% hoạt động ngoại thương của Ấn Độ chủ yếu thông qua các cảng biển.

Theo ông Vũ Hồ Ninh, từ cảng Nhava Sheva, Bee Logistics cũng nhận vận chuyển hàng lẻ vào các ICD (cảng cạn) phía sâu trong đất liền Ấn Độ như ICD Delhi và ICD Ahmedabab. Đây là một dịch vụ mới mà Bee Logistics triển khai với mong muốn kết nối những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đưa hàng vào thị trường Ấn Độ nhanh chóng, linh hoạt, tối ưu thời gian và chi phí logistics hơn.

Cú huých để phát triển

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhưng cũng chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên thận trọng và sử dụng các kênh hợp tác chính thống là giải pháp hữu ích, “an toàn” khi đưa hàng hoá sang thị trường này.

Buoc tien moi trong quan he thuong mai hai nuoc Viet Nam-An Do hinh anh 2
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hầu hết các mặt hàng như dệt may, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực năng lượng tái tạo, hàng nông sản là động lực mới cho quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ và nhiều ngành hàng khác còn tiềm năng hợp tác.

Tuy nhiên, để biến các động lực và tiềm năng này thành hiện thực thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động giao thương trực tuyến là kênh quan trọng để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Thực tế thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. Gần đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương ) đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Xúc tiến thương mại và Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam- Ấn Độ 2021.

Tại các phiên giao thương, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới đối tác nhiều sản phẩm tiềm năng và chất lượng, bao gồm hàng nông sản, thực phẩm khô, thủy hải sản, đồ uống, gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại... và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Ấn Độ.

Theo ông Bùi Trung Thướng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội, Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ phối hợp với các cơ quan bộ ngành trong nước và Ấn Độ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, các phòng thương mại tổ chức 15 chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư rất đa dạng và phong phú trong nhiều lĩnh vực.

Hy vọng qua đó, nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị sẽ được ký kết trong thời gian diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư. Đây sẽ là cú huých để thúc đẩy thương mại song phương trong thời gian tới, sớm đạt 15 tỷ USD như lãnh đạo hai nước đặt ra.

Ông Bùi Trung Thướng lưu ý bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như dệt may, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ôtô, việc hợp tác về năng lượng và dầu khí, phát triển hợp tác về cơ sở hạ tầng, cảng biển, cảng hàng không tiếp tục là những điểm sáng và có nhiều tiềm năng để tạo ra đột phá.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là cường quốc về công nghệ thông tin bởi riêng năm 2020, đã có gần 40 startup của Ấn Độ trở thành kỳ lân (Unicorn) với tổng giá trị trên 1 tỷ USD. Do đó, việc hợp tác về công nghệ thông tin và startup cũng sẽ là bước tiến quan trọng giữa doanh nghiệp hai nước.

Cùng với đó, Ấn Độ còn là cường quốc về dược phẩm, cung cấp đến hơn 50% tổng lượng vaccine cho toàn thế giới. Dự kiến trong năm 2022, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 5 tỷ liều vaccine phòng dịch COVID-19. Vì thế, đẩy mạnh hợp tác về y tế và dược phẩm trong bối cảnh cả thế giới đang chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 cũng sẽ là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay Ấn Độ có hệ thống luật pháp tương đối đồng bộ, chi tiết và cụ thể, nhưng quá trình thực thi còn bất cập do đất nước rộng lớn, thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian.

Hơn nữa, Ấn Độ áp dụng chính sách, nhất là chính sách đối với hàng nhập khẩu đôi khi rất bất ngờ, không báo trước như: hạn chế nhập khẩu hương nhang; giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng tiêu…

Đặc biệt, đây là một trong những nước áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vì vậy, hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, sử dụng phương pháp thanh toán L/C trả ngay, không hủy ngang, sử dụng đơn vị giám định chất lượng (tại cảng đi hoặc tại cảng đến).

Để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn khi xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương đang triển khai cung cấp trong danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế đăng tải định kỳ hàng quý trên trang thông tin điện tử http://pvtm.gov.vn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và hợp tác từ Ấn Độ, một trong những đối tác tin cậy và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Theo TTXVN/Vietnam+

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công