Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Hậu quả và hệ lụy

TP - Giữa những buôn làng sâu hun hút, bao năm nay đói nghèo, thất học, bệnh tật, bám riết lấy những cặp vợ chồng “nhí” khiến cuộc sống đi vào bế tắc, nhiều mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân.

2022-03-03 10:34:03 - Việt Nam

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Hậu quả và hệ lụy

TP - Giữa những buôn làng sâu hun hút, bao năm nay đói nghèo, thất học, bệnh tật, bám riết lấy những cặp vợ chồng “nhí” khiến cuộc sống đi vào bế tắc, nhiều mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân.

Cha đi tù, mẹ là trẻ con

Về thôn vùng sâu Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc K’Ho, câu chuyện về hoàn cảnh của cô gái Lơ Mu C.R. vẫn chưa hết nóng. Một cán bộ hội phụ nữ địa phương kể, C.R làm mẹ ở tuổi 14, hoàn cảnh rất đáng thương. Cha mẹ chia tay nhau, mẹ lấy chồng khác, cha sinh sống ở TP Đà Lạt, còn C.R và anh trai đến ở với bà ngoại. Bà vất vả làm nông để nuôi hai cháu. Cha dượng của cô bé C,R quê ở Thanh Hóa, có người quen là B.V.D (sinh năm 1993), từ Thanh Hóa vào làm thuê ở thôn Đạ Nghịt.

Những tháng đầu năm ngoái (2021), khi C.R đang học lớp 7 (trường THCS xã Lát), mẹ cô bé đến trường xin cho con nghỉ học, nói là đưa về quê nội ở Thanh Hóa. Sau đó một người dân xã Lát nhận được nguồn tin là C.R đang mang thai. Biết được tin “sét đánh” đó, cha ruột của C.R đã tố cáo vụ việc với cơ quan công an.

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Hậu quả và hệ lụy ảnh 1

Cuộc sống người dân tộc thiểu số vùng sâu còn nhiều khó khăn

Theo bà Liêng Hót K’Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lát, sau khi nhận được nguồn tin báo, Hội đã gặp bà ngoại và cha mẹ của C.R để nắm bắt thông tin vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với gia đình liên hệ đón C.R về xã Lát. Công an huyện Lạc Dương điều tra làm rõ vụ việc, truy tố B.V.D về tội giao cấu với trẻ vị thành niên. Mặc dù đôi trai gái này có tình cảm với nhau nhưng hành vi của B.V.D vẫn cấu thành tội phạm và hậu quả là phải đi tù; C.R đã sinh con gái đến nay được 7 tháng tuổi.

Cách đây mấy tháng, C.R gánh thêm nỗi đau mất bà ngoại, người anh sinh năm 2004 cũng đã bỏ học. Cô bé mười mấy tuổi, lẽ ra vẫn còn ca hát, chơi nhảy dây, trốn tìm với bè bạn cùng trang lứa, nhưng giờ đây lại cất tiếng ru buồn đến não lòng.

Theo số liệu tổng hợp về tình trạng tảo hôn của chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình, năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk có 276 cặp tảo hôn, thành phố Buôn Ma Thuột có 30 cặp trong đó xã Ea Kao có 7 cặp. Bảo Lâm là huyện có số vụ tảo hôn nhiều bậc nhất tỉnh Lâm Đồng với 211 vụ trong 5 năm qua (số liệu thống kê chưa đầy đủ). Tình trạng tảo hôn cũng đang diễn ra phức tạp ở huyện Kbang, Gia Lai.

Lấy chồng năm 16 tuổi, Ka Xảo (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) có con ngay sau đó. Đôi vợ chồng ở tạm trong căn nhà lụp xụp mà người dì ruột cho mượn. Cô vợ trẻ sớm gánh thiên chức làm mẹ và nếm mùi của việc đồng áng nặng nhọc. Xảo buồn bã chia sẻ, ngày trước cũng muốn tiếp tục đi học nhưng vì gia đình khó khăn nên phải nghỉ ở nhà làm nông. Lấy chồng xong lại càng khổ hơn vì phải làm lụng vất vả để có cái ăn, cái mặc, mua sữa cho con và trả nợ vay.

Cũng vì tảo hôn, nhiều đôi vợ chồng trẻ không thể tự lo cuộc sống của mình đành phải nhờ cha mẹ, anh em. Thường xuyên mâu thuẫn từ những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt. H’Nh và Y’L (xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) về ở với nhau khi mới 14 tuổi. Từ nấu cơm, giặt đồ hay bất cứ việc gì đều xảy ra xung đột. Trong một lần bực tức vợ, Y’L đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng được phát hiện và cứu kịp thời.

 

Những đứa trẻ bất hạnh

Trời về chiều, cơn gió mùa khô se sắt hơn, con đường giữa buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) sôi động và náo nhiệt bởi tiếng gọi nhau í ới của đám trẻ con. Ông Hoàng Văn Páo, trưởng buôn Mông kể, dân làng chủ yếu sống nhờ nương rẫy, sáng tinh mơ đã lên rừng, lên rẫy. Những đứa trẻ ở nhà tự chăm nhau, đói tự lấy cơm ăn, khát tự kiếm nước uống. Lũ trẻ quanh năm manh áo cộc lấm lem nô đùa ở các bãi đất trống.
Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Hậu quả và hệ lụy ảnh 2

Ông Páo tuyên truyền cho các hộ dân người Mông về tình trạng tảo hôn

Em V.M.H (12 tuổi) cho biết: “Bố mẹ đi rẫy từ sớm. Em tranh thủ buổi chiều ra suối bắt con cá, hay mò con ốc về cải thiện bữa ăn, hôm nào được nhiều thì đưa đi đổi gạo. Đến mùa trái cây rừng chúng em đi hái quả, nhiều hôm còn đốt được ong lấy mật mang về đổi thực phẩm”. Chị C.T.S, mẹ của H vừa về tới nhà chia sẻ: “Ngày ấy, nó sinh ra trên rẫy. Tôi đang làm thì chuyển dạ, kịp chạy đến một gốc cây, một số chị em làm gần đó hỗ trợ”.

Làng người Gia Rai ở xã Uar, (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười của những đôi vợ chồng nhí không phải là chuyện hiếm. M.H (SN 2002) và chồng là K.D (2002) lấy nhau năm 2018 thường xuyên cự cãi, đánh nhau. H kể, bản thân bỏ học từ năm lớp 8, thường xuyên được D đến cổng chở đi chơi nên nảy sinh tình cảm. Do còn nhỏ nên đôi vợ chồng ở với mẹ của H (55 tuổi), cùng làm hơn 1 ha rẫy mì (sắn). Chồng mải đi uống rượu cùng nhóm bạn, về còn đánh vợ nên bị mẹ H đuổi ra khỏi nhà. H nói: “Giờ nó không chịu về nhà nữa, khi nào có nhà riêng nó mới về. Em muốn nó về trông con để em đi làm nhưng tính nó còn ham chơi quá. Giờ nhà chỉ có ba bà cháu buổi tối nhìn nhau thôi, buồn lắm”.

Những câu chuyện buồn ấy cứ ngỡ chỉ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa nhưng ngay thành phố nhịp sống hiện đại con số đáng báo động. Theo số liệu tổng hợp về tình trạng tảo hôn của chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình, năm 2020, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có 30 cặp tảo hôn. Ngôi nhà của H’T B.kr, (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) đóng cửa im lìm. Trưởng buôn Y Bhiu kể, bố của H’T đã bỏ đi mấy năm nay, nghe người ta nói vay nặng lãi gì đó mà nhà cũng khá giả không hiểu sao nên nông nỗi. Cách đây mấy năm, H’T yêu một chàng trai cùng buôn. Bố mẹ không cho nhưng 2 đứa sống chết phải được ở với nhau, rồi dắt nhau về nhà gái ở, không đăng ký kết hôn. Đang ở tuổi cắp sách đến trường, mơ mộng… thì H’T đã bắt đầu quán xuyến chuyện gia đình. Đẻ đứa con đầu lòng, hai vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, bỏ nhau cũng được 4 năm nay. Bây giờ H’T đã lấy chồng 2 và đang ở nhà mẹ của cô.

Ông Y Bhiu, thông tin, trước đây trong buôn có một số cặp vợ chồng là con chị gái lấy con của em trai. Giờ, khi được cán bộ tuyên truyền về ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết, bà con đã bỏ tập tục này.

Ông Đỗ Văn Trìu, công chức tư pháp hộ tịch xã Ea Kao kể, có nhiều trường hợp khi 2 vợ chồng lên hòa giải, cô vợ dắt theo người yêu mới lên ngồi cùng. Lớp trẻ đang bị tác động tiêu cực của mạng xã hội nên nhận thức về đời sống hôn nhân rất lệch lạc, méo mó.

 

N.Thảo - K.Anh - L.Tiền
Nguồn tienphong.vn

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công