Australia phê chuẩn tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Theo Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia, mặc dù trẻ em mắc COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc gặp các biến chứng lâu dài do virus SARS-CoV-2.

2021-12-10 11:47:12 - Việt Nam

Australia phê chuẩn tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Theo Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia, mặc dù trẻ em mắc COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc gặp các biến chứng lâu dài do virus SARS-CoV-2.

Australia phe chuan tiem phong COVID-19 cho tre em tu 5 den 11 tuoi hinh anh 1
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Australia vừa chấp thuận việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 10/1/2022.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ nước này đã áp dụng "lời khuyên y tế tốt nhất có thể," đó là cho phép trẻ em chủng ngừa COVID-19.

Theo ATAGI, mặc dù trẻ em mắc COVID-19 thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc gặp các biến chứng lâu dài do virus SARS-CoV-2 gây ra. Việc tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với những trẻ em có rủi ro mắc bệnh nặng hoặc sống tại các khu vực có ổ dịch bùng phát.

Việc tiêm phòng cho trẻ em cũng có thể giúp giảm lây lan bệnh dịch trong cộng đồng, ngăn ngừa trẻ em truyền virus sang người thân trong gia đình và cộng đồng.

So với việc tiêm chủng cho người lớn và thanh thiếu niên, có một số khác biệt quan trọng trong cách thức triển khai vaccine cho trẻ em.

Trong khi người lớn được khuyến nghị khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 3 tuần, ATAGI khuyến cáo khoảng thời gian này ở trẻ em là 8 tuần nhưng vẫn có thể được rút ngắn xuống còn 3 tuần trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ xảy ra một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Liều lượng vaccine dùng cho trẻ nhỏ cũng chỉ bằng 1/3 so với liều lượng tiêm cho người lớn, và các lọ vaccine dành cho các em nhỏ sẽ được dán nhãn riêng.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Y tế Australia, giáo sư Brendan Murphy đã lên tiếng trấn an người dân nên bình tĩnh trước thông tin về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh biến thể này hiện vẫn chưa ghi nhận mức độ nghiêm trọng cao hơn so với các biến thể trước đây.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân Australia nên chủ động đi tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 để đảm bảo hệ miễn dịch có thể chống lại biến thể mới.

Thông tin từ Giám đốc Y tế Australia cho biết tỷ lệ nhập viện hoặc bệnh chuyển nặng do biến thể Omicron tại Nam Phi là không cao, nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm. Các chuyên gia y tế vẫn theo dõi sát tình hình và nhiều cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đang được thực hiện tại Australia.

Giáo sư Murphy khẳng định các dữ liệu hiện tại cho thấy một mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu quả trong chống lại biến thể mới.

Tại Australia, ba bang đông dân nhất là New South Wales, Queensland và Victoria hiện đều ghi nhận có các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó bang New South Wales đã thông báo về các trường hợp lây nhiễm biến thể này trong cộng đồng.

Trong 24 giờ qua, tính đến sáng ngày 10/12, bang New South Wales ghi nhận 516 trường hợp mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 10, thời điểm chính quyền bang bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hơn ba tháng trước đó.

Do lo ngại sự bùng phát của biến thể Omicron, cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo lùi kế hoạch mở cửa biên giới trở lại cho sinh viên quốc tế và một số nhóm đối tượng từ ngày 1/12 sang ngày 15/12.

Mặc dù các ca mắc mới vẫn đang có xu hướng tăng tại Australia, song Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan cho biết Australia sẽ không tiếp tục trì hoãn và giữ kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế vào ngày 15/12./.

Nguyễn Minh-Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)

Theo TTXVN/Vietnam+

0

Doanh nghiệp

0

Sản phẩm

0

Năm Hoạt động

Đã xảy ra lỗi xác thực. Vui lòng nhập các trường và gửi lại.
Chúc mừng bạn ! Đã đăng ký thành công